Dự án HIV do Hoa Kỳ tài trợ tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân để cải thiện sinh kế

Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại lễ tổng kết Dự án HIV nơi làm việc.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại lễ tổng kết Dự án HIV nơi làm việc.
Nguyễn Thạc Phương/USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Năm, Tháng sáu 20, 2013

HÀ NỘI, ngày 20/06/2013 -- Hơn 1.400 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV tại Việt Nam đã tìm được việc làm hoặc đạt được ước mơ tự kinh doanh riêng với hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ. Đây là một trong những thành công của dự án phòng chống HIV nơi làm việc của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được tài trợ trong khuôn khổ Kế hoạch Khẩn cấp về Phòng chống AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).

Từ năm 2008, Dự án Hỗ trợ Việc làm và Dự phòng HIV Nơi làm việc cho người có nguy cơ cao tại Việt Nam của USAID (gọi tắt là Dự án HIV Nơi làm việc của USAID) đã giúp tìm việc làm cho người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV và phòng ngừa lây nhiễm mới trong các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV dưới sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thông qua đào tạo và hỗ trợ sắp xếp việc làm, dự án đã giúp trên 1.200 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV tìm được việc làm ổn định hoặc tự làm chủ. Ngoài ra, với hỗ trợ của dự án, 220 người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đã được vay vốn với tổng trị giá trên 100.000 USD thông qua ba đối tác cung cấp dịch vụ tài chính vi mô của Việt Nam là Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Quỹ tình thương (TYM) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và mạng lưới M7/Trung tâm Hỗ trợ phát triển Nguồn lực Tài chính Cộng đồng. Sự thành công của mô hình tài chính vi mô dành cho người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đã tạo động lực để các đối tác này cam kết dành ra tổng cộng 1 triệu USD để cho vay dành cho đối tượng khách hàng mục tiêu này. Hơn nữa, dự án cũng phối hợp với các đối tác khác vận động chính sách với kết quả là các chính sách và quy định mới đã được ban hành để hỗ trợ công tác dự phòng HIV và mở ra các cơ hội kinh tế cho người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV.

"Dự án này đã chứng tỏ rằng với cơ hội thỏa đáng và giảm sự kỳ thị, người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV có thể đóng góp đáng kể cho xã hội đồng thời cải thiện cuộc sống của chính mình", Giám đốc USAID tại Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại lễ tổng kết dự án được thực hiện trong 5 năm này. "Tôi rất hài lòng là những thành quả mà dự án đạt được sẽ được duy trì và nhân rộng với nguồn ngân sách trong nước".

Dự án cũng đã mở rộng các hoạt động dự phòng HIV tới 118 doanh nghiệp tại 8 tỉnh thành trên cả nước (An Giang, Cần Thơ, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Nghệ An và Quảng Ninh) với trên 100.000 cán bộ, công nhân viên được tập huấn về dự phòng HIV. Các đối tác doanh nghiệp này đã đóng góp 750.000 USD cho các chương trình dự phòng HIV thực hiện tại cơ sở của mình.

"Dự án HIV nơi làm việc của USAID đã hỗ trợ chúng tôi xây dựng chính sách quốc gia về cung cấp vốn vay và tạo việc làm cho các nhóm mục tiêu thông qua hỗ trợ kỹ thuật thiết thực của dự án dựa trên các mô hình tốt và kinh nghiệm quốc tế", ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết. "Đây là một dự án hợp tác rất hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích".